I. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT, TIÊU THỤ SẢN PHẨM TÁO NINH THUẬN VÀ TỎI PHAN RANG
1. Điều kiện tự nhiên:
Ninh Thuận có khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, chỉ có 2 mùa đó là mùa mưa và mùa khô. Mùa khô kéo dài 9 tháng (từ tháng 12 đến tháng 8), trong khoảng thời gian này vẫn có mưa, nhưng lượng mưa trung bình thấp chỉ chiếm 15 - 20% lượng mưa cả năm. Trong khi đó, lượng bốc hơi rất cao, chiếm 80 - 85% tổng lượng bốc hơi cả năm. Bức xạ mặt trời cao đã làm tăng quá trình bốc hơi nước làm cho đất khô hạn và thiếu nước. Mùa mưa kéo dài 3 tháng bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11, với lượng mưa lớn và tập trung, chiếm 80 - 85% lượng mưa trong cả năm. Ngược lại, lượng bốc hơi và nền nhiệt độ thấp hơn mùa khô. Khí hậu Ninh Thuận khô hạn với nắng nóng vào loại cao nhất so với cả nước, nhiệt độ trung bình mùa 270C. Ninh Thuận ít có bão nhưng khi có bão thì thường kết hợp với dông, gây ra mưa lớn và lũ lụt, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân trong vùng (thường xảy ra vào tháng 10 và 11). Với điều kiện khí hậu như vậy rất thuận lợi cho cây trồng có năng suất và chất lượng cao so với các tỉnh khác.
2. Tình hình sản xuất, tiêu phụ sản phẩm táo, tỏi:
2.1. Đối với cây táo:
Tỉnh Ninh Thuận có diện tích trồng táo lớn nhất nước, diên tích cây Táo là 1.107 ha, sản lượng 37.782 tấn/năm; diện tích và sản lượng thu hoạch được xếp vào hạng cao nhất nước. Táo được trồng chủ yếu ở các huyện Ninh Hải, Ninh Phước và thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. Sản lượng hàng năm cung cấp cho thị trường trong nước khoảng hơn 20 nghìn tấn táo tươi và gần 4 nghìn tấn táo khô.
Táo là loại cây trồng sinh trưởng rất nhanh, thời gian khai thác được nhiều năm và đang dần chiếm vị trí quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng của địa phương nên được nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư tăng diện tích, hiện nay cây táo là cây mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nông dân ở địa phương. Tuy nhiên, sản xuất táo hoàn toàn do người dân làm theo kinh nghiệm, công tác tập huấn, tuyên truyền và vận động nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả của các cơ quan chức năng trong ngành Nông nghiệp triển khai thường xuyên nên số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã giảm nhiều, nhưng vẫn còn một bộ phận chưa tiếp cận nên vẫn còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện làm ảnh hưởng về vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường và của người tiêu dùng, chính vì vậy Ninh Thuận đã quy hoạch lại vùng sản xuất trồng táo an toàn và triển khai các dự án trồng táo sạch theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 47,2 ha cho 75 hộ ở An Hải, Phước Sơn, Phước Hậu, Phước Vinh huyện Ninh Phước; Mỹ Sơn huyện Ninh Sơn và phường Văn Hải thành phố Phan Rang - Tháp Chàm tham gia.
Bên cạnh yếu tố nhu cầu thị trường, diện tích và sản lượng táo tăng lên nhờ có một số yếu tố thuận lợi về trình độ canh tác, khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật, tận dụng điều kiện sẵn có và mở rộng diện tích, nâng cao sản lượng trong những năm tới. Tuy nhiên, người trồng táo cũng còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất như thiếu vốn, thiếu thông tin thị trường nên thu nhập vẫn còn thấp. Mặt khác nguồn giống chưa được công nhận xuất xứ nguồn gốc, vì giống táo hiện tại phụ thuộc vào nguồn giống từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ nên chưa kiểm soát được nguồn bệnh và ruồi vàng đục trái… Hiện tại, nhu cầu cây táo giống trên địa bàn khá lớn, nhất là các giống táo có khả năng kháng bệnh, các giống táo mới như táo Ấn Độ, Malaysia, v.v...
Táo Ninh Thuận được tiêu thụ ở hầu hết các thị trường trong nước (chủ yếu là sản phẩm tươi) thông qua các cơ sở thu mua và chế biến. Táo Ninh Thuận được người tiêu dùng ở nhiều nơi như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An, Hải Phòng… biết đến. Toàn tỉnh có hơn 50 cơ sở thu mua táo hoạt động liên tục quanh năm cung cấp táo Ninh Thuận đi tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, Campuchia. Ngoài sản phẩm táo tươi còn có các sản phẩm được chế biến từ quả táo như: nước ép, táo sấy khô, mứt táo… Táo Ninh Thuận đã và đang ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng hơn so với táo các vùng khác. Giá sản phẩm táo tươi được các cơ sở thu mua không ổn định, bình quân ở mức 6.000 – 8.000đ/kg tùy theo thời điểm và thị trường trái cây tuy nhiên mức giá trên người sản xuất chấp nhận được và có thu nhập ổn định.
2.2. Đối với cây tỏi:
Với diện tích trồng Tỏi là 216 ha, sản lượng Tỏi tươi là 1.578 tấn/năm. Được trồng tập trung chủ yếu là các huyện Ninh Hải (xã Vĩnh Hải, Thanh Hải, Nhơn Hải) với diện tích hơn 100 ha chiếm 50%, huyện Thuận Bắc với diện tích 15 ha chiếm 11% và thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (Phường Văn Hải, Mỹ Hải, Mỹ Bình) với diện tích hơn 50 ha chiếm gần 50% toàn tỉnh. Hàng năm tỏi được sản xuất vào vụ Đông Xuân. Mức sản lượng tỏi Phan Rang cung cấp cho thị trường trong nước hàng năm trên 100 tấn. Hiện nay cây tỏi là cây chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân địa phương. Đặc biệt đây là loại cây chịu hạn tốt, phù hợp với những vùng đất khô hạn, nắng nhiều, lại ít sâu bệnh. Tỏi Phan Rang áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 51 ha cho 248 hộ Văn Hải, Nhơn Hải, Thanh Hải…, được hướng dẫn từ khâu chọn đất, chọn giống, chăm sóc, bón phân, thu hoạch và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tạo nên chất lượng sản phẩm cũng đặc biệt hơn chính vì lẽ đó Tỏi Phan Rang phơi khô không cần xử lý bất cứ hóa chất nào vẫn có thể lưu giữ trong thời gian 3 - 6 tháng sau thu hoạch, thậm chí lâu hơn nữa mà vẫn giữ hương vị ban đầu (chưa nhiều tinh dầu phitolxit rất cần để làm nguyên liệu cho sản xuất dược liệu) nên nó có giá trị kinh tế cao.
Diện tích và sản lượng tỏi tăng lên nên có một số thuận lợi nhất định về trình độ canh tác, khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật. Hiện nay, người trồng tỏi cũng còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất. Thực tế, quy mô phát triển còn nhỏ lẽ, manh mún, việc sản xuất mang tính tự phát, thiếu liên kết và chiến lược phát triển còn nhỏ hẹp, khả năng cạnh tranh trên thị trường còn thấp so với nhiều địa phương khác trong cả nước (như tỏi Lý Sơn-Quảng Ngãi đã có thương hiệu).
Tại Ninh Thuận chưa có cơ sở chế biến tỏi. Tỏi thường được bán dưới hai dạng tỏi tươi và tỏi khô. Tỏi tươi (thu hoạch sớm) thường được bán trong các dịp lễ, tết. Còn lại những thời điểm khác được bán dưới dạng tỏi khô. Giá bán tỏi tươi bình quân khoảng 70 ngàn đồng/kg, tỏi khô bán khoảng 50 ngàn đồng/kg ở đầu vụ và tăng dần đến 90 – 100 ngàn vào cuối vụ, giá bán không ổn định (giá thường bị giảm vào vụ mùa thu hoạch rộ). Thị trường tiêu thụ tỏi phần lớn được bán cho các cơ sở thu mua trong tỉnh như: có công ty TNHH Tâm Hoàng Sơn, Tổ hợp tác sản xuất tỏi Mỹ Hòa xã Vĩnh Hải và Công ty Hải Việt và tổ hợp tác sản xuất hành tỏi (thôn Khánh Nhơn xã Nhơn Hải), trang trại hành tỏi Quang Ninh…các cơ sở này bán lại ra các tỉnh phía Bắc và thành phố Hồ Chí Minh. Tỏi được bán chủ yếu thông qua thương lái, hiện tại có một Công ty của Thái lan sẵn sàng mua tỏi để chế biến và người dân vẫn chưa bán được trực tiếp cho Công ty này lý do diện tích sản xuất của các hộ còn quá nhỏ không tập trung sản xuất thành hàng hóa.
Với những đặc điểm nêu trên, sản phẩm táo Ninh Thuận và tỏi Phan rang rất cần có một thương hiệu để quảng bá, giới thiệu sản phẩm ngày càng rộng rãi đến người tiêu dùng trong nước tạo điều kiện để có thể tiến xa hơn ra các thị trường khác trong khu vực và thế giới. Đồng thời tìm kiếm, đề xuất các giải pháp để ngày càng nâng cao chất lượng và uy tín cho sản phẩm táo Ninh Thuận và tỏi Phan rang như tuyển chọn nguồn giống có chất lượng tốt, xây dựng qui trình sản xuất an toàn và thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo hướng VietGAP và GlobalGAP.
II. KẾT QUẢ XÂY DỰNG NHÃN HIỆU TẬP THỂ “TÁO NINH THUẬN”, “TỎI PHAN RANG”
1. Quá trình triển khai:
Thực hiện Chỉ thị 22/2012/CT-UBND ngày 20/8/2012 của UBND tỉnh Ninh Thuận Chỉ thị về việc đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và chương trình phối hợp giữa Sở Khoa học và Công nghệ với Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân tỉnh đã tham mưu, đề xuất và được UBND tỉnh chấp thuận thống nhất để Hội Nông dân tỉnh triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể cho 2 sản phẩm táo Ninh Thuận và tỏi Phan Rang.
Ủy ban nhân dân tỉnh có Quyết định số 1161/QĐ-UBND ngày 12/6/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp xác lập quyền sở hữu trí tuệ năm 2012 trong đó Hội Nông dân tỉnh được phê duyệt 2 dự án Bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Ninh Thuận” cho sản phẩm Táo của tỉnh Ninh Thuận và Bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Phan Rang” cho sản phẩm Tỏi của tỉnh Ninh Thuận với tổng kinh phí 214 triệu đồng.
Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Công ty Sở hữu trí tuệ INVENCO triển khai xây dựng và ban hành qui chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “táo Ninh Thuận” (quyết định ban hành số 75-QĐ/HNDT ngày 8/10/2012 của Ban Thương vụ Hội Nông dân tỉnh) và “tỏi Phan Rang” (quyết định ban hành số 76-QĐ/HNDT ngày 8/10/2012 của Ban Thương vụ Hội Nông dân tỉnh); đăng ký sử dụng tên địa danh Ninh Thuận cho sản phẩm táo và tên địa danh Phan Rang cho sản phẩm tỏi và đã được UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận tại văn bản số 4634/UBND-KT ngày 2/10/2012 của UBND tỉnh v/v đồng ý sử dụng tên địa danh Ninh Thuận cho sản phẩm táo và tên địa danh Phan Rang cho sản phẩm tỏi; đăng ký thành viên tham gia sử dụng nhãn hiệu tập thể của sản phẩm “táo Ninh Thuận” và “tỏi Phan Rang”.
Tổ chức 4 cuộc tập huấn nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ và xây dựng nhãn hiệu tập thể tỏi Phan Rang và táo Ninh Thuận cho 200 cán bộ, hội viên nông dân tại các địa phương trọng điểm về trồng táo, tỏi của huyện Ninh Phước, huyện Ninh Hải và thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, nội dung tập huấn bao gồm: Giới thiệu chung về Sở hữu trí tuệ; Sự cần thiết phải nâng cao nhận thức về Sở hữu trí tuệ; Giới thiệu về nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể táo Ninh Thuận; Sự cần thiết phải đăng ký bảo hộ; Quy trình và thủ tục đăng ký bảo hộ đối với NHTT nói chung và NHTT táo Ninh Thuận nói riêng; Quy trình và thủ tục đăng ký bảo hộ đối với NHTT nói chung và NHTT tỏi Phan Rang nói riêng. Mẫu nhãn hiệu lựa chọn/tên địa danh/khu vực.
Tổ chức 02 cuộc hội thảo xác định nội dung, cơ chế kiểm soát và đánh giá lựa chọn mẫu nhãn hiệu tập thể táo Ninh Thuận và tỏi Phan Rang có 60 người tham dự, kết quả thống nhất chọn mẫu nhãn hiệu tập thể táo Ninh Thuận và tỏi Phan Rang và qui chế sử dụng nhãn hiệu tập thể “táo Ninh Thuận”, “tỏi Phan Rang”.
Sau khi hoàn tất, Hội Nông dân tỉnh đã ủy quyền cho Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ Thảo Thọ Quyến (Invenco) nộp hồ sơ và theo đuổi đơn và đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp thuận (quyết định số 62426/QĐ-SHTT quyết định v/v chấp nhận đơn hợp lệ đối với sản phẩm táo và quyết định số 62427/QĐ-SHTT quyết định v/v chấp nhận đơn hợp lệ đối với sản phẩm tỏi) hoàn tất thủ tục đăng ký cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho 2 sản phẩm “táo Ninh Thuận” và “tỏi Phan Rang”.
2. Kết quả đạt được:
- Đối với sản phẩm tỏi Phan Rang: đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể Quyết định số 51716/QĐ-SHTT ngày 19/9/2013 v/v cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm “tỏi Phan Rang”.
- Đối với sản phẩm táo Ninh Thuận: đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “táo Ninh Thuận”, Quyết định số 61701/QĐ-SHTT ngày 05/11/2013 v/v cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm “táo Ninh Thuận”.
III. PHƯƠNG HƯỚNG QUẢN LÝ, PHÁT TRIỂN NHÃN HIỆU TẬP THỂ.
Hiện nay, nhãn hiệu tập thể “táo Ninh Thuận”, “tỏi Phan Rang” do Hội Nông dân tỉnh quản lý, trong thời gian tới phấn đấu thành lập Hiệp hội, doanh nghiệp, HTX... có đủ năng lực quản lý và phát triển 2 nhãn hiệu tập thể “táo Ninh Thuận” và “tỏi Phan Rang”, vì vậy Hội Nông dân tỉnh là chủ sở hữu và là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý và phát triển 2 nhãn hiệu tập thể nói cho đến khi thành lập được Hiệp hội, doanh nghiệp hay HTX có đủ năng lực sẽ chuyển giao nhãn hiệu tập thể.
Để việc quản lý, phát triển 2 nhãn hiệu tập thể “táo Ninh Thuận” và “tỏi Phan Rang”, Hội Nông dân tỉnh thống nhất phương hướng hoạt động trong thời gian đến như sau:
- Đề xuất với UBND tỉnh, Sở Khoa học & Công nghệ cho xây dựng 2 dự án về xây dựng mô hình mẫu quản lý nhãn hiệu tập thể “táo Ninh Thuận” và “tỏi Phan Rang”. Mục tiêu của 2 dự án trên là nhằm kiện toàn hoạt động của Hội Nông dân trong quản lý và phát triển nhãn hiệu; hình thành các dấu hiệu nhận biết của sản phẩm; theo dõi biến động của từng dòng sản phẩm trên thị trường; đánh giá hiệu quả…
- Phối hợp với Sở Công thương, Trung tâm Khuyến công & XTTM tổ chức, tham gia các hoạt động hội chợ triển lãm, quảng bá giới thiệu sản phẩm có sử dụng nhãn hiệu ở các thị trường trong cả nước.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Khoa học & Công nghệ và các cơ quan chức năng hỗ trợ nông dân tuyển chọn giống; xây dựng qui trình và sản xuất sản phẩm táo, tỏi đúng qui trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt…
- Phối hợp với Liên minh Hợp tác xã, Chi cục phát triển Nông nghiệp nông thôn xúc tiến thành lập hiệp hội táo, tỏi để chuyển giao quản lý và phát triển nhãn hiệu, hình thành hệ thống sản xuất, phát triển sản phẩm và tiêu thụ hiệu quả.
- Kết nạp thành viên đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể “táo Ninh Thuận” và “tỏi Phan Rang”; Hỗ trợ thành viên đăng ký, sử dụng nhãn hiệu tập thể; Xây dựng tổ hợp tác, liên minh sản xuất – tiêu thụ…
- Thành lập Ban Quản lý, Ban Kiểm soát theo qui chế cấp phát và sử dụng tem nhãn.
- Đề nghị Hội Nông dân các cấp chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan tại địa phương giúp đỡ nông dân (người sản xuất) sản xuất táo, tỏi đúng qui trình, thực hiện qui hoạch và phát triển sản xuất ổn định tạo ra nguồn sản phẩm ổn định, có chất lượng tốt để từng bước nâng cao uy tín của sản phẩm địa phương trên thị trường.
- Người sản xuất là nhân tố quan trọng, quyết định trong việc phát triển thương hiệu của sản phẩm nói chung và thương hiệu Táo Ninh Thuận, Tỏi Phan Rang nói riêng vì vậy họ là người trước hết có trách nhiệm thực hiện nâng cao năng suất và chất lượng hàng cung cấp cho thị trường từ đó nâng cao uy tín cho sản phẩm đặc thù của địa phương. Chủ động đề xuất với các cấp Hội Nông dân và các cơ quan, ban ngành có liên quan giúp đỡ, hỗ trợ về kỹ thuật (sản xuất, chế biến…), tài chính, tiêu thụ sản phẩm… nhằm từng bước nâng cao uy tín chất lượng của sản phẩm táo Ninh Thuận, tỏi Phan Rang trên thị trường góp phần tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống theo định hướng xây dựng nông thôn mới của tỉnh./.