Hệ thống
HyperLink
HyperLink
HyperLink
Đối tác
NHỮNG KHÓ KHĂN VÀ TỒN TẠI TRONG SẢN XUẤT NHO TẠI NINH THUẬN – GIẢI PHÁP

 Trong cơ cấu cây trồng của tỉnh Ninh Thuận thì nho là cây đặc sản có giá trị kinh tế cao, hiện nay diện tích nho của tỉnh ta là 1.057 ha (năm 2015), dự kiến đến năm 2020 là 2.500 ha.

Khó khăn trong nghề trồng nho của tỉnh Ninh Thuận hiện nay là giống nho còn kém chất lượng, sâu bệnh ngày càng tăng (bệnh thán thư, bọ trĩ), giá cả thị trường không ổn định,... nhất là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để trừ sâu bệnh trên nho không hợp lý đã làm cho dư lượng thuốc BVTV trên nho vượt mức cho phép, chi phí đầu tư cao và ảnh hưởng sức khỏe của người sản xuất, đặc biệt là những vùng có diện tích nho tập trung (huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm). Điều quan trọng là các cơ sở thu mua, thương lái chưa nắm bắt quy trình bảo quản qủa nho tươi sau thu hoạch làm cho chất lượng quả nho giảm khi đưa ra thị trường.

Trong những năm qua, Sở KH&CN Ninh Thuận đã quan tâm đầu tư nghiên cứu để nâng cao hiệu quả nghề trồng nho như nghiên cứu về giống (xây dựng vườn tập đoàn và đánh giá tuyển chọn giống, phục tráng giống nho đỏ-Red Cardinal), tập huấn về phương pháp ghép chồi, đánh giá và tuyển chọn giống làm gốc ghép, hướng dẫn phát hiện sớm thành phần sâu bệnh và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại trên nho, đặc biệt đã nghiên cứu thành công Các biện pháp tổng hợp để phòng trừ sâu bệnh hại nho, kết quả cho thấy có thể giảm 30 - 50% lượng thuốc bảo vệ trên nho, dư lượng thuốc trên quả nho đạt dưới ngưỡng cho phép, lợi nhuận/vụ/ha tăng 3,5- 4 triệu đồng, đây là một kết quả tốt đã nhanh chóng chuyển giao cho nông dân trồng nho trong tỉnh (Chi cục Nông nghiệp, BVTV).

Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của Bộ KH&CN, Sở KH&CN Ninh Thuận đã phối hợp với Trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp TP Hồ Chí Minh thuộc Viện khoa học nông nghiệp phía Nam đã thực hiện thành công đề tài nghiên cứu “Ứng dụng phân bón hữu cơ sinh học và các chế phẩm sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trên cây nho Ninh Thuận”. Kết quả nghiên cứu, đặc biệt là công thức “Hữu cơ sinh học + ½ phân vô cơ” cho thấy:

- Phân hữu cơ sinh học có tác dụng tốt đến sinh trưởng và phát triển của cây nho, giúp nho giữ vững được năng suất cao và ổn định.

- Phân hữu cơ sinh học và các chế phẩm sinh học, vi sinh có tác dụng giúp cây khỏe, tăng khả năng đề kháng sâu bệnh của cây nho. Do đó có khả năng giảm lượng thuốc hóa học sử dụng, đồng thời giảm được dư lượng thuốc trên quả nho.

- Phân hữu cơ sinh học và các chế phẩm sinh học, vi sinh có khả năng nâng cao chất lượng quả nho, cụ thể là tăng tỉ lệ chất khô, tăng độ đường và đặc biệt là giảm hàm lượng NO3. Đồng thời giúp môi trường đất được bền vững, ổn định.

Kết quả nghiên cứu đã được chính quyền địa phương và đông đảo bà con nông dân tin tưởng tự nguyện hưởng ứng áp dụng. Khó khăn chính đối với người nông dân quá mới mẻ cho việc áp dụng phân bón- chế phẩm HCSH cho nho, vì đã nhiều năm quen với kỹ thuật canh tác truyền thống sử dụng phân bón hoá học. Giá cả và thị trường tiêu thụ nho hữu cơ sinh học chưa ổn định.

Từ những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã đạt được nêu trên, để từng bước khắc phục những tồn tại trong sản xuất nho ở địa phương, việc xây dựng “Mô hình phòng trừ tổng hợp dịch hại kết hợp ứng dụng các chế phẩm hữu cơ sinh học trên cây nho” là có ý nghĩa rất lớn đối với chương trình phát triển vùng nho Ninh Thuận, đây cũng là bước đột phá rất phù hợp với chủ trương phát triển một nền nông nghiệp sạch và bền vững hiện nay.

Tỉnh đã có tập đoàn giống nho phong phú được trồng thí nghiệm ở Viện nghiên cứu cây bông và phát triển nông nghiệp Nha Hố (khoảng 132 giống: gồm nho ăn tươi và nho làm rượu dùng chế biến rượu vang), đã triển khai một số giống nho ăn tươi có triển vọng như NH 01- 48 (380 ha) và một số giống mới đang trồng thử nghiệm (Black Queen, Italia, Red Star, Patchong, NH 01-152...) đang đưa ra sản xuất. Trong sản xuất hiện nay chủ yếu sử dụng giống nho đỏ Red Cardinal chiếm 85% diện tích. Qua quá trình sử dụng, giống nho đỏ đã bị nhiễm nhiều loại sâu bệnh, năng suất, phẩm chất có chiều hướng giảm dần dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp.

Khó khăn hiện nay là việc mở rông diện tích nho của tỉnh còn mang tính tự phát, phần lớn dựa vào kinh nghiệm của nông dân. Chưa biết áp dụng quy trình canh tác hữu cơ sinh học, chủ yếu dựa vào nguồn phân - thuốc BVTV trên thị trường có nguồn gốc hoá học và chưa có hiểu biết nhiều về công nghệ bảo quản nho tươi sau thu hoạch để nâng cao hiệu quả kinh tế của nghề trồng nho.

Thông qua lớp tập huấn phổ biến kiến thức năm 2016 đã được Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam hỗ trợ kinh phí cho Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Ninh Thuận triển khai tại huyện Ninh Phước, Ninh Hải và TP.Phan Rang-Tháp Chàm với chủ đề:” Chuyển giao công nghệ bảo quản nho, táo là những sản phẩm đặc thù sản xuất tại Ninh Thuận cho nông dân và doanh nghiệp” có sự tham dự của 200 học viên (chủ yếu là nông dân và doanh nghiệp trong tỉnh); Hy vọng sẽ giúp cho nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nông, nhà thu mua nho hiểu rõ hơn về các tiêu chuẩn VIỆTGAP, biết áp dụng vào chuỗi sản xuất nho từ khâu canh tác, sử dụng phân bón, thuốc BVTV hợp lý, quy trình bảo quản nho tươi, đóng gói, sử dụng nhãn mác của chỉ dẫn địa lý “Ninh Thuận” cho sản phẩm nho, sẽ giúp cho thương hiệu nho an toàn Ninh Thuận đẩy mạnh năng lực cạnh tranh thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu./.

                                                                   Phạm Châu Hoành-LHH Ninh Thuận

 

Tập huấn PBKT tại huyện Ninh Phước

Hoành
Số lượt đọc: 1905 - Ngày cập nhật: 22/08/2016
 Về trang trước    Bản in    Về đầu trang
Bài đã đăng:
1234567
TRANG CHỦ       GIỚI THIỆU       LIÊN HỆ
Designed by  Ninh Thuan Software